Economic

Cổ phiếu nhựa: Tích cực

Giá nguyên liệu giảm là một trong những yếu tố chính hỗ trợ kết quả kinh doanh (KQKD) của doanh nghiệp (DN) nhựa xây dựng và theo đó là diễn biến các cổ phiếu của ngành này.

Trong thời gian, giá dầu giảm sâu, giá các chế phẩm từ dầu mỏ nhìn chung tiếp tục trong xu hướng giảm. Cụ thể, giá bột PVC ở thị trường châu Á – Thái Bình Dương, nguyên liệu chính chiếm đến 60 – 70% giá vốn sản xuất ống nhựa, đã giảm 11,3%; giá bột HDPE cũng giảm đến 10,3% so với mức trung bình của năm 2015.

Thống kê giao dịch của các cổ phiếu này cho thấy BMP (Nhựa Bình Minh) dẫn đầu về mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 1 tháng và 1 năm lần lượt đạt 9,32% và 65,74%. Đây cũng là doanh nghiệp có biên lợi nhuận trước thuế hấp dẫn nhất với gần 24%, tăng 391 điểm phần trăm so với năm 2014.

Ngoài yếu tố giá nguyên liệu bình quân giảm khoảng 18%, KQKD tích cực của BMP còn đến từ sự đóng góp của nhà máy mới Long An. Chính thức hoạt động từ nửa sau năm 2015, nhà máy Long An giai đoạn 1 đã giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu ống và phụ tùng, qua đó đóng góp khoảng 7,5% vào tăng trưởng sản lượng.

Lãnh đạo của BMP chia sẻ sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với vốn đầu tư khoảng 600-700 tỷ đồng để có thể sản xuất thêm 10.000 tấn phụ tùng, qua đó tăng công suất thiết kế của Công ty thêm 12,5%. Nhìn chung, khả năng gia tăng năng lực sản xuất, mặt bằng giá nguyên liệu vẫn ở mức thấp cùng với sự khởi sắc của thị trường bất động sản (BĐS) và hoạt động xây dựng sẽ vẫn là các động lực tăng trưởng chính cho BMP trong năm 2016.

Tương tự như BMP, KQKD của NTP (Nhựa Tiền Phong) cũng có sự tăng trưởng nhảy vọt với doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 3.559,2 và 412,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 18,7% và 8,0% so với năm 2014. Tuy nhiên, biên LNTT của NTP lại khá thấp, chỉ bằng một nửa so với BMP và có sự sụt giảm 115 điểm phần trăm.

Rõ ràng, tỷ trọng chi phí bán hàng/doanh thu thuần tăng mạnh từ 13,8% lên 19,1% là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm biên lợi nhuận nói trên. Trong năm 2015, công ty này đã tăng mạnh tỷ lệ hoa hồng đại lý ở nhiều sản phẩm (trung bình tăng 6-8%) để củng cố và gia tăng thị phần ở khu vực miền Bắc, vốn có sự cạnh tranh khốc liệt hơn các khu vực còn lại.

Cùng có hoạt động chính là mảng ống nhựa như BMP và NTP nhưng DNP (Nhựa Đồng Nai) lại hướng tới thị trường ngách là ống nhựa cho dự án. Mặc dù biên lợi nhuận của thị trường này không cao (biên gộp chỉ khoảng 15%) nhưng giúp DNP tránh được sự cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn nói trên.

Quan trọng hơn, nhờ được hợp nhất KQKD của công ty con hoạt động ở mảng nước sạch (Công ty CP Bình Hiệp) nên doanh thu và LNTT của DNP nhảy vọt lần lượt 55% và 89% so với năm 2014. Sự tham gia của DNP tại Công ty CP Đầu tư hạ tầng DNP – Long An từ cuối quý 4/2015 kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới cho DNP trong năm 2016. Việc “lấn sân” sang mảng nước không chỉ giúp DNP thu được biên LN cao (biên ròng của các doanh nghiệp ngành nước thường từ 25 – 35%) mà còn hỗ trợ phát triển mảng ống dự án.

Dù cũng được hưởng lợi từ giá bột PVC giảm nhưng các sản phẩm của DAG (Nhựa Đông Á) lại khá khác biệt so với các doanh nghiệp còn lại. Ở mảng sản phẩm chính là thanh profile, DAG đứng đầu thị trường trong nước với khoảng 25% thị phần phía Bắc và 6% thị phần phía Nam.

Với năng lực sản xuất hiện tại (27.000 tấn thanh profile/năm), DAG vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, do đó, Công ty đã nhập thêm 15 dây chuyền để có thể cung cấp thêm 30.000 tấn thanh profile/năm. Với triển vọng thị trường thanh profile còn rất lớn, nhà đầu tư có thể đánh giá DAG gặt hái nhiều thành tựu lớn trong năm 2016 này.

Với những dữ liệu mà ngành nhựa có được, trong năm 2016, các cổ phiếu ngành nhựa dự báo có khả năng tiếp tục được hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường BĐS và hoạt động xây dựng cũng như sự sụt giảm của giá nguyên liệu đầu vào. Trong số các cổ phiếu nói trên, giới phân tích đánh giá cao nhất triển vọng tăng trưởng của BMP và DNP.

Dù vậy, do yếu tố này đã được phản ánh tương đối vào giá cổ phiếu, chuyên viên phân tích của VDSC kỳ vọng các cổ phiếu này có thể mang lại các cơ hội đầu tư tốt khi thị trường có sự điều chỉnh. Giá mục tiêu hiện tại đối với cổ phiếu BMP ở mức là 142.000 đồng/CP, cao hơn khoảng 9,2% so với giá đóng cửa ngày 26/2/2016. Từ đây, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu ngành phù hợp với nhu cầu đầu tư, hạn chế rủi ro cao nhất trong năm 2016.

Theo Hoàng Lan
Doanh nhân Sài Gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *